Từ tháng 7/2023, các siêu thị lớn của New Zealand cấm sử dụng các túi nhựa mỏng trong siêu thị để đựng trái cây, rau quả.
Lệnh cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần tại New Zealand chính thức có hiệu lực. Ảnh sưu tầm |
Theo thông báo trên website của Bộ Môi trường New Zealand, các loại túi nhựa đựng thực phẩm và nhãn dán, đĩa, bát, bộ đồ ăn và ống hút bằng nhựa thuộc nhóm sản phẩm bị cấm trong giai đoạn 2 và sẽ bị đưa ra khỏi kệ hàng từ ngày 1/7. Các doanh nghiệp vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt tới 100.000 dollar New Zealand (60.853 USD). Theo Bộ Môi trường, giai đoạn 2 của lệnh cấm quốc gia nhằm vào các đồ khó tái chế và dùng 1 lần, dự kiến sẽ loại bỏ 150 triệu túi nhựa đưa đến các bãi rác mỗi năm.
Giai đoạn đầu của lệnh cấm đồ nhựa quốc gia bắt đầu thực hiện từ tháng 10/2022, theo đó tăm bông nhựa dùng 1 lần, dụng cụ pha chế đồ uống và phần lớn khay đựng thịt bằng nhựa bị cấm bán hoặc sản xuất. Bộ Môi trường New Zealand nhấn mạnh việc chấm dứt bán các sản phẩm nhựa này sẽ giảm rác thải ra bãi rác, cải thiện hệ thống tái chế và khuyến khích sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc ít gây hại cho môi trường hơn.
Trước đó, vào ngày 1/7/2019, New Zealand đã chính thức cấm túi nhựa dùng một lần và sẽ phạt nặng các nhà bán lẻ cung cấp loại túi này với mức phạt có thể lên tới 67.000 USD. Với việc Quy định giảm thiểu rác thải được đưa ra năm 2018 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, các nhà bán lẻ của New Zealand như siêu thị, cửa hàng và nhà hàng sẽ không được phép bán hay phát cho khách hàng những chiếc túi nhựa dùng một lần.
Ước tính trung bình mỗi người dân New Zealand xả ra khoảng 750 kg rác thải mỗi năm. Giai đoạn 3 và là giai đoạn cuối cùng của lệnh cấm đồ nhựa quốc gia sẽ bắt đầu từ giữa năm 2025, theo đó cấm bán và sản xuất bao bì đồ uống và thực phẩm làm bằng nhựa PVC và polystyrene.
Theo Chương mình môi trường Liên Hợp Quốc, hơn 80 quốc gia đã đề xuất các lệnh cấm túi nhựa tương tự New Zealand. Bên cạnh đó, New Zealand cũng đang nỗ lực giải quyết vấn đề tái chế rác. Chính phủ nước này cam kết chi 27 triệu USD để tìm cách tái sử dụng các loại rác nhựa thay vì đưa sang các bãi rác ở nước ngoài, khi mà Trung Quốc cùng nhiều nước khác từ chối tiếp nhận rác thải.
Theo báo Công Nghiệp Môi Trường