Đàn lợn rừng tràn từ trên núi xuống xâm nhập vào các khu dân cư bỏ hoang sau trận động đất, sóng thần gây ra thảm họa hạt nhân ở Fukushima.
Lợn rừng lang thang ở những đường phố bỏ hoang bên trong khu vực phong tỏa sau thảm họa hạt nhân Fukushima, Nhật Bản nhiều đến mức chính quyền địa phương phải thuê thợ săn diệt trừ chúng, International Business Times hôm qua đưa tin. |
Tương tự khu vực phong tỏa Cherbonyl, số lượng động vật hoang dã ở đây tăng vọt khi vắng bóng con người. Các loài động vật vốn sinh sống trên núi đã tràn xuống khu dân cư thay thế con người sau khi cư dân buộc phải bỏ lại nhà cửa do động đất và sóng thần kéo theo thảm họa hạt nhân vào tháng 3/2011. |
Đàn lợn rừng ở Fukushima sinh sôi nảy nở nhanh chóng và thoải mái kiếm ăn trên các đường phố, vườn cây. Nhiều người dân ở đây không dám quay về nhà sau thảm họa vì lo sợ bị loài lợn rừng hung dữ tấn công. |
"Sau khi mọi người rời đi, hệ sinh thái của những con lợn rừng đã thay đổi. Chúng bắt đầu tràn xuống từ trên núi và sẽ không rút đi. Chúng đã tìm thấy một nơi thoải mái có nhiều thức ăn và không bị ai săn đuổi. Hiện giờ đây là ngôi nhà mới của chúng và là nơi chúng sinh con đẻ cái", thợ săn Shoichiro Sakamoto cho biết. |
Trước thảm họa, Sakamoto và đồng nghiệp bắt được khoảng 50 con lợn rừng hoang dã một năm, chủ yếu ở những vùng núi hẻo lánh. Từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 2 năm nay, họ bắt được khoảng 300 con tính riêng ở quận Tomioka. |
Hai lần một tuần, nhóm của Sakamoto đặt hơn 30 bẫy lồng ở Tomioka. Các thợ săn sử dụng súng hơi để giết chết lợn rừng hoang dã, sau đó chất chúng lên xe tải và chở đến cơ sở lưu giữ, nơi những cái xác bị vi khuẩn phân hủy. |
Lợn rừng ở Fukushima được phân loại không phù hợp làm thức ăn cho con người do thịt của chúng có lượng phóng xạ cao, bởi chúng ăn các loại cây, củ nhiễm phóng xạ ở quanh khu vực thảm họa. |
Nghiên cứu ở Fukushima chỉ ra trong số 208 con lợn rừng hoang dã bị bắt từ năm 2016 đến đầu năm 2017, khoảng 106 con được phát hiện có lượng xêsi cao vượt ngưỡng tiêu chuẩn an toàn phóng xạ 100 becquerel/kg do chính phủ Nhật ban hành. Một số con có lượng xêsi đo được lên tới 13.000 Bq/kg. |
Phương Hoa (Ảnh: Reuters)
Nguồn: Báo VnExpress