TN&MTMột trong những quốc gia đi đầu trong việc phát triển các sáng kiến bảo tồn nước là Singapore. Là một đảo quốc thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các hồ nước ngọt, đảo quốc Sư Tử này luôn không ngừng tìm kiếm và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước cho sự phát triển.
Xử lý hiệu quả ô nhiễm nguồn nước
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), nguồn nước bị ô nhiễm nặng đang làm giảm 1/3 tốc độ tăng trưởng kinh tế ở một số quốc gia trên thế giới. Từ một đất nước phải mua hầu như tất cả lượng nước sinh hoạt từ Malaysia nhưng Singapore đã dần dần tiến tới tự cung tự cấp và xuất khẩu công nghệ “tái chế nước thải thành nước uống cực sạch” để thoát khỏi áp lực liên quan đến vấn đề nước. Đến nay, Singapore đã nghiên cứu, triển khai, áp dụng thành công nhiều sáng kiến, trở thành một trong những quốc gia quản lý nguồn nước hiệu quả hàng đầu thế giới. Theo đó, Singapore là một trong số ít quốc gia Đông Nam Á đưa vấn đề nguồn cung cấp nước vào chiến lược phát triển tổng thể của nước này. “Đảo quốc sư tử” đưa ra các chính sách nhằm quản lý cả nguồn cung và nguồn cầu đối với nước, xây dựng quy hoạch dài hạn, đẩy mạnh thực hiện và kiểm soát việc thực hiện các kế hoạch, khung pháp lý, quy định tái tạo nước sạch. Các khía cạnh khác cũng được tính toán kỹ lưỡng như sử dụng nguồn lao động, chất lượng, chi phí sản xuất và quản lý nước.
Singapore được công nhận là nhà tiên phong toàn cầu trong công nghệ xử lý nước, Cơ quan Nước quốc gia Singapore (PUB) đã ban hành Kế hoạch tổng thể về nước từ năm 1972, theo đó, đưa ra một danh mục tài nguyên nước đa dạng. Có bốn nguồn cung cấp nước sạch hay còn gọi là “bốn vòi nước quốc gia” tại Singapore, bao gồm nước nhập khẩu từ Malaysia, nước mưa, nước tinh khiết lọc từ nước thải và lọc từ nước biển.
Một trong những thành tựu đáng kể và góp phần lớn cho sự phát triển đô thị đó chính là công nghệ xử lý nước thải. Đây là một trong những bước tiến lớn đối với các quốc gia gần như cạn kiệt nguồn TNN, mà điển hình là Singapore.
Singapore đã có chính sách sử dụng nước hoàn toàn mới. Thu thập nước mưa là một trong những sáng kiến đầu tiên để tái tạo nước. Họ thu thập nước mưa từ 2/3 diện tích đất đai, tái chế nước thải. Theo đó, quốc gia này đã thu thập nước mưa thông qua một mạng lưới cống dài 8.000 km, dẫn về 17 hồ chứa. Đến nay, họ đã thành công trong việc thu thập nước mưa từ hơn 65% diện tích đất đai. Tuy nhiên, sự thay đổi khí hậu làm cho các nguồn nước tự nhiên trở nên không đáng tin cậy, đảo quốc sư tử này đang tập trung vào các dự án xử lý nước đã qua sử dụng và khử muối từ nước biển. Singapore thu lại nước đã qua sử dụng từ hệ thống đường hầm thoát nước nằm sâu 60 mét dưới mặt đất. Từ năm 2000, nước này đã xây dựng 5 nhà máy xử lý nước thải thành nước sạch.
Năm 2003, dự án NEWater được giới thiệu, nói cách khác đó là một công nghệ tái tạo nước đã qua sử dụng bằng các các biện pháp như thanh lọc bằng bộ vi lọc, bộ thẩm thấu, khử trùng, khử bẩn bằng tia cực tím,… Tháng 5/2010, Singapore đã khai trương nhà máy hiện đại nhất và lớn nhất tinh chế nước đã qua sử dụng thành nước cho con người sử dụng và dùng trong các nhà máy. Nước dội toa lét hay dùng trong nhà bếp được thải qua một loạt hệ thống màng loại bỏ những chất bẩn để cho ra sản phẩm cuối cùng là nước đóng chai nhãn NEWater (nước mới). Năm 2015, Singapore đã xây dựng một nhà máy với chương trình thử nghiệm phương pháp khử muối điện hóa, trong đó sử dụng điện trường để tách muối ra khỏi nước biển. Ước tính, nguồn nước ngọt đã được lọc từ biển cũng cung cấp khoảng từ 10% - 20% lượng nước cho quốc gia này.
Giải bài toán thiếu nước ngọt
Nguồn nước ngọt tự nhiên của Singapore được cho là ít nhất thế giới. Nguồn nước mưa, nước ngầm và nước ở các sông suối nhỏ không đủ cho hơn 5 triệu người dân sử dụng nhưng đảo quốc này vẫn có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong gần 50 năm. Năm 1961, Singapore phải ký 2 hiệp ước nhập khẩu nước ngọt chưa qua xử lý từ Malaysia với số lượng khoảng 155 triệu lít mỗi ngày. Tình trạng lệ thuộc vào nguồn nước ngọt nhập khẩu kéo dài trong nhiều năm đã gây những tổn thất nặng cho nền kinh tế. Trước thực trạng đó, Chính phủ Singapore xem chính sách tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước ngọt là quốc sách hàng đầu. Chiến lược tiết kiệm, tái tạo nguồn nước ngọt và sạch được đặt ra và thực hiện bằng nhiều biện pháp gắn với lộ trình phát triển cụ thể của đất nước.
Một là, nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng tiết kiệm nguồn nước, xây dựng ý thức tự quản và thực hành tiết kiệm cho mỗi người dân. Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động mỗi người dân nâng cao ý thức về sự cần thiết phải thực hành tiết kiệm nước hàng ngày. Việc tiết kiệm nước được thực hiện bằng các hành động cụ thể, diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi. Từ năm 2003, cuộc vận động, tuyên truyền tiết kiệm nước luôn được tiến hành sâu rộng trên toàn quốc. Khẩu hiệu “Mỗi người dân tiết kiệm 5% lượng nước sinh hoạt trong một tháng” đã thu hút 250.000 hộ dân trên 70 khu vực của toàn lãnh thổ cam kết thực hiện. Một trong các nhóm giải pháp được hướng dẫn và đạt hiệu quả cao là “7 biện pháp tiết kiệm nước”, gồm: Kiểm tra hóa đơn nước hàng tháng để có biện pháp tiết giảm; chỉ xối nước cần thiết khi tắm; mở lượng nước vừa đủ khi rửa rau, rửa bát; chỉ giặt máy giặt khi đủ công suất máy; dùng nước xả của máy giặt để rửa bồn cầu, sàn nhà vệ sinh; không để cho nước rò rỉ ở các van và mối nối dù chỉ một giọt; chỉ dùng ½ lượng nước trong bồn xả có thể làm sạch cầu sau khi đi vệ sinh. Bằng cách đó, mỗi gia đình có thể tiết kiệm được 15-20 lít nước mỗi ngày.
Cuộc vận động, tuyên truyền thực hành tiết kiệm nước trên toàn quốc nhanh chóng thu được kết quả khả quan. Bên cạnh đó, chính phủ Singapore áp dụng cách tính giá nước theo phương pháp lũy tiến và thu thêm các loại thuế, phí (thuế bảo vệ nguồn nước, phí sử dụng nước trên định mức tiêu thụ,…), thu theo mục đích sử dụng,… Hiện nay, Singapore tính giá nước theo 2 mức tiêu thụ, mức 1 dùng đến 40.000 lít/hộ và mức 2 dùng trên 40.000 lít/hộ.
Hai là, phát triển mọi khả năng khai thác nước ngọt, đảm bảo phát triển bền vững. Chính phủ Singapore thực hiện nhiều dự án phát triển nguồn nước ngọt quy mô lớn đầy quyết tâm và sáng tạo như: Tiến hành làm sạch các dòng sông, đầu tư xây dựng hệ thống tích trữ, thu gom nước ngọt trên toàn quốc với một đập ngăn nước sông đổ ra biển (đập Marina trên sông Singapore). Hiện nay, Singapore có 15 hồ chứa nước ngọt (hồ rộng nhất là 10.000 ha) và hơn 7000 kênh dẫn. Ngoài ra, quốc gia này còn tiến hành xây dựng các nhà máy lọc nước trọng điểm với công suất lớn. Hai nhà máy lọc nước biển Singspring và Tuaspring đã đi vào hoạt động, đáp ứng được 10% nhu cầu nước ngọt của cả nước. Trong tương lai gần, đảo quốc này dự kiến xây thêm 4 nhà máy lọc nước biển để có thể đáp ứng được 20% nhu cầu tiêu dùng nước ngọt cho mọi hoạt động KT-XH của đất nước.
Tuy nhiên, thành công lớn nhất của quốc gia này trong việc giải quyết bài toán về nước ngọt là thực hiện dự án “nước mới”. Chính phủ đã hoàn thiện hệ thống kênh dẫn, hồ chứa và cho xây dựng 5 nhà máy lọc nước thải có quy mô lớn. Công nghệ hiện đại của các nhà máy này có thể lọc được mọi loại nước thải (kể cả nước thải từ nhà vệ sinh) thành nước sinh hoạt. Sản lượng nước của 5 nhà máy đủ cung cấp cho 30% nhu cầu tiêu dùng nước sạch trên toàn quốc với giá rẻ hơn rất nhiều so với các nguồn cung nước trước đây. Để tạo thêm nguồn thu cho đất nước, Singapore còn biến dây chuyền sản xuất “nước mới” thành một điểm đến du lịch để khách tham quan khám phá “sự tái sinh của nước”. Với sự thành công của dự án “nước mới”, người Singapore đã biến giấc mơ hơn 20 năm của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu thành hiện thực với kết quả lớn hơn mong đợi.
Thứ ba, Chính phủ có chính sách khuyến khích các nhà khoa học, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc vào công cuộc bảo vệ, phát triển nguồn nước. Hàng năm, Chính phủ Singapore tổ chức “Tuần lễ quốc tế về nước”, trao “Giải thưởng Lý Quang Diệu về nước” trị giá 300.000 SGD (khoảng 200.000 USD) cho cá nhân và tổ chức có đóng góp xuất sắc trong việc giải quyết vấn đề nước trên toàn cầu. Giải thưởng được duy trì từ năm 2008 đến nay. Chính sách này đã góp phần động viên những nỗ lực của toàn dân trong nhiều năm qua trong việc đồng hành cùng Chính phủ kiên trì thực hiện quốc kế nước sạch.
Nguồn: Tạp chí Điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường