TTO - Trong quá trình giảng dạy của mình, tôi luôn kiên định với quan điểm không có học sinh cá biệt, chỉ có học sinh chưa ngoan, do thầy cô chưa đủ thấu hiểu, cảm thông và bao dung để hiểu học trò.
Mỗi em học sinh đều có những câu chuyện riêng, nếu các em có xu hướng nổi loạn hẳn xuất phát từ nhiều lý do.
Hạnh phúc của người thầy
Suốt chặng đường đồng hành cùng học sinh, tôi luôn cố gắng dành tình cảm chân thành, không đem sự cấm đoán cứng nhắc để thay đổi các em. Có lẽ chính sự chân thành đó đã "cảm hóa" được nhiều học sinh. Từ những cậu bé, cô bé ngỗ ngược, ham chơi, các em đã dần trở nên ngoan ngoãn, chỉn chu học hành, cha mẹ yên tâm. Hạnh phúc của một người thầy đôi khi đến từ những điều giản dị như thế.
Bản thân tôi đã từng có khoảng thời gian công tác trong ngành giáo dục tại Nhật Bản và nhận ra rằng việc rèn luyện nhân cách, đạo đức rất được chú trọng trong nền giáo dục ở quốc gia này. Điều thú vị là quá trình này được thực hiện từ sớm và gần như xuyên suốt chặng đường học tập của mỗi học sinh.
Vốn là nền giáo dục chú trọng tính thực hành, học sinh tại Nhật được học "làm người" không phải từ các lời thuyết giảng giáo điều, sách vở mà xuất phát từ vô số các trải nghiệm thực tế ở trường lớp, ở nhà và xã hội. Lâu dần, các kỹ năng này được thẩm thấu tự nhiên, trở thành thước đo chuẩn mực, góp phần nuôi dưỡng nhân cách con người.
Học đạo đức, kỹ năng trong mọi hoạt động
Thay vì phải xây dựng những giờ học đạo đức riêng biệt, người Nhật lại cho rằng tất cả các tiết dạy, giáo viên đều có nhiệm vụ giáo dục đạo đức. Việc dạy kỹ năng sống cũng như bài học làm người diễn ra trong mọi hoạt động hằng ngày chứ không chỉ nằm trong sách vở; không phải học thuộc, mà phải rèn luyện thực hành hằng ngày để hình thành những thói quen tốt, từ thói quen ấy sẽ trở thành những hành động tự nhiên, lâu dần trở thành tố chất của mỗi con người.
Điển hình như giờ ăn trưa của học sinh tại Nhật cũng là một tiết học, nơi trẻ em được dạy về tính tự lập; biết cách vệ sinh cá nhân và giữ gìn vệ sinh cho tập thể; học cách chăm sóc bản thân; biết cách phục vụ bạn bè và thể hiện lòng biết ơn.
Theo lệ thường, sau giờ học buổi sáng, trước khi bắt đầu ăn bữa trưa, học sinh tại Nhật sẽ có thời gian để làm vệ sinh lớp học, nhặt rác, lau chùi bàn ghế, khung cửa... Hằng tuần, các em học sinh ở những trường tiểu học, trung học sẽ tham gia làm vệ sinh, quét dọn trạm dừng xe buýt gần trường... Những hoạt động ấy luôn được duy trì thường xuyên khiến các em học sinh có ý thức cao với công việc chung, trân trọng sức lao động của người khác và tăng cường tính hợp tác trong sinh hoạt tập thể.
Điều thú vị hơn là các lớp học trong trường tại Nhật đều không có lớp trưởng. Theo thông lệ, các em học sinh sẽ lần lượt thay phiên nhau làm các công việc điều hành lớp. Cũng bởi, nhiều chuyên gia giáo dục ở Nhật Bản cho rằng việc tham gia các hoạt động khác ở lớp, ở trường, ngoài việc học sẽ tăng cường khả năng tự giác.
Khi tất cả học sinh đều được tham gia như nhau, các em sẽ có những cơ hội như nhau để bộc lộ và rèn luyện năng lực trong mọi hoạt động, trong điều hành công việc chung. Những học sinh có đôi chút hạn chế ở một số mặt sẽ xóa dần mặc cảm và từng bước hòa đồng hơn với mọi thành viên trong tập thể.
Từ câu chuyện thực tế ở nước ngoài, cá nhân tôi cho rằng việc rèn luyện nhân cách, giáo dục đạo đức được thực hiện ngay từ học sinh còn nhỏ tuổi. Các em học sinh nên được thực hành theo tấm gương từ các thầy cô giáo trong các hoạt động hằng ngày về các quy tắc ứng xử, nề nếp một cách kỹ lưỡng, sẽ góp phần mang đến hiệu quả cao cho giáo dục.
Theo báo tuổi trẻ