Công nhân môi trường thu gom rác thải trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ảnh: Đức Duy
Hạn chế rác thải tồn đọng
Trong năm 2020, đường giao thông các xã Tuy Lai, Hợp Thanh, Xuy Xá... (huyện Mỹ Đức) thường xuyên ứ đọng rác thải sinh hoạt thì đến thời điểm này đã được thu gom sạch sẽ. Ông Nguyễn Văn Hiệu, người dân xã Tuy Lai cho biết: "Từ đầu năm 2021 đến nay, công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hai Bà Trưng (URENCO 3) đã phối hợp với chính quyền địa phương thu gom, vận chuyển hết lượng rác tồn đọng trên địa bàn. Tuyến đường ra cánh đồng thôn Đồng Gỉ trước đây nhiều rác nay đã được “khoác áo mới” bằng đường hoa, cây xanh”...
Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) vốn là nơi tập trung nhiều rác tái chế với khối lượng lên tới 2 tấn/ngày. Trước đây, người dân thường xử lý bằng cách đốt rác, gây ô nhiễm môi trường nhưng nay hiện tượng này không còn. Để có được kết quả này, theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hòa Đỗ Mạnh Hà, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong xử lý rác thải làng nghề; hướng dẫn các hộ sản xuất phân loại rác tại nguồn. Những loại rác thải không tái chế được, phải thuê đơn vị thu gom xử lý riêng.
Mỹ Đức, Ứng Hòa chỉ là hai trong số nhiều địa phương của thành phố Hà Nội có sự chuyển biến tích cực về vệ sinh môi trường trong những tháng đầu năm 2021. Tại một số nơi từng là điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường do tồn đọng rác thải sinh hoạt như Thanh Oai, Thạch Thất, Mê Linh..., công tác thu gom rác thải cũng đi vào nền nếp; đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp hơn.
Tiếp tục duy trì nền nếp
Công nhân Hợp tác xã Thành Công thu gom rác thải sinh hoạt tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng). Ảnh: Đức Duy.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái, kể từ khi Quyết định số 4278/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội có hiệu lực, công tác vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn có chuyển biến tích cực. "Nguyên nhân là trong việc mời thầu vệ sinh môi trường, các địa phương đã điều chỉnh nội dung dự thầu sát với thực tế như: Tăng tần suất thu gom, vận chuyển rác thải trong ngõ, xóm, khu dân cư; không để rác lưu cữu quá 3 ngày tại điểm tập kết. Quá trình thực hiện, các công ty vệ sinh môi trường huy động tối đa nhân lực, phương tiện để thu gom, vận chuyển hết lượng rác thải tồn đọng", ông Mai Trọng Thái thông tin.
Chung nhận định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết: "Việc giao cho các quận, huyện, thị xã lựa chọn nhà thầu dịch vụ vệ sinh đã khắc phục được những bất cập, hạn chế do đấu thầu tập trung gây ra. Thực tế, sau 2 tháng triển khai theo phương thức mới đã không còn xuất hiện điểm "nóng" về tồn đọng rác thải sinh hoạt trong khu dân cư".
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Đức Nguyễn Thị Thu Hường thông tin, huyện Mỹ Đức đã tăng khối lượng dự thầu thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ 50 tấn lên 80 tấn/ngày; tăng tần suất thu gom đối với các xã là 3 lần/tuần và tại thị trấn là thu gom hằng ngày. Sau khi trúng thầu (ngày 1-1-2021), URENCO 3 đã bố trí 131 lao động, 11 xe tải, 6 xe vận chuyển, 2 xe tưới nước và 1 xe hút bụi, bảo đảm thu gom, vận chuyển hết rác theo hợp đồng.
Để tiếp tục duy trì nền nếp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, các địa phương, đơn vị cũng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Tại huyện Ứng Hòa, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện yêu cầu đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường nhân lực, phương tiện. Đồng thời, giao cho các xã, thị trấn giám sát việc thực hiện hợp đồng vệ sinh môi trường của đơn vị trúng thầu. Đơn vị nào để rác tồn đọng, gây ô nhiễm môi trường, Ban sẽ lập biên bản xử phạt theo quy định.
Còn tại huyện Quốc Oai, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai (đơn vị trúng thầu công tác vệ sinh môi trường tại huyện Quốc Oai) Vũ Công Minh cho biết, công ty đã xây dựng kế hoạch cụ thể và phân công nhiệm vụ cho từng tổ lao động phụ trách địa bàn để duy trì công tác vệ sinh môi trường. Thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, công nhân vệ sinh môi trường phối hợp với chính quyền địa phương và người dân tổng vệ sinh đến đâu, thu gom, vận chuyển rác thải đến đó, bảo đảm đường làng, ngõ xóm luôn thông thoáng, sạch đẹp.
Từ cách làm mới của các địa phương và nỗ lực của doanh nghiệp vệ sinh môi trường, công tác thu gom, xử lý rác thải đã mang lại kết quả tích cực. Môi trường khu vực ngoại thành đang sạch, đẹp hơn mỗi ngày.
Theo Hà Nội Mới- Hoàng Sơn (03/03/2021; 06:19)