TTO - Tại hội nghị thượng đỉnh về đại dương do Liên Hiệp Quốc lần đầu tổ chức, các đại biểu đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines cho biết họ sẽ cố dọn sạch rác nhựa trên biển.
Mỗi năm có 5-13 triệu tấn rác thải nhựa từ các con sông đổ vào các đại dương - Ảnh: GETTY IMAGES |
Theo BBC, các quan chức Liên Hiệp Quốc đã ca ngợi cam kết của bốn nước, dù một số cam kết chưa được chính thức hóa và các giải pháp mà họ đề xuất không được các nhà môi trường đánh giá cao.
Theo ước tính, mỗi năm có 5-13 triệu tấn rác thải nhựa bị thải vào các đại dương. Phần lớn số rác này đã trôi vào bụng chim và cá khi chúng vô tình ăn phải, thậm chí nhiều loài sinh vật ở đáy biển cũng ăn phải nhựa.
Một bài báo gần đây cho biết phần lớn rác thải nhựa đổ ra biển xuất phát từ các nước có nền kinh tế tiêu dùng phát triển nhanh nhưng khả năng xử lý chất thải chưa tương ứng.
Trung tâm Helmholtz ở Leipzig, Đức, ước tính rằng 75% rác thải nhựa đổ ra biển bắt nguồn từ 10 con sông, chủ yếu ở châu Á. Họ cho biết chỉ cần giảm 50% lượng rác thải nhựa ở các con sông này sẽ giúp giảm 37% lượng rác thải nhựa trên toàn cầu.
Ông Tom Dillon thuộc tổ chức Pew Charitable Trusts, tổ chức vận động vì môi trường biển, thúc giục Trung Quốc phải hành động nhanh chóng để giảm rác thải nhựa vì "con đường tơ lụa trên biển" của họ đã "xuất khẩu ô nhiễm".
"Trong hàng ngàn năm, con đường tơ lụa trên biển là con đường để xuất khẩu văn hóa và ảnh hưởng của Trung Quốc ra thế giới. Liệu đại dương là phương tiện để xuất khẩu ô nhiễm của Trung Quốc, hay là một nền văn hoá bảo tồn và phát triển bền vững?", ông nói với BBC.
Tại Thái Lan, tổng lượng rác thải đổ ra biển năm 2016 ước tính 2,83 triệu tấn, trong đó nhựa chiếm 12%. Một báo cáo từ chính phủ Thái Lan thừa nhận họ quản lý chất thải không hiệu quả và xử lý chất thải nhựa kém.
Chính phủ Thái cho biết họ đã đề ra một chiến lược kéo dài 20 năm để giải quyết vấn đề trên, trong đó có khuyến khích sản xuất bao bì sinh thái và các chất thay thế thân thiện với môi trường thay cho bao bì nhựa.