Hiện nay, các dòng sông lớn ở nước ta đang bị “xâm hại nặng nề” do các nguồn nước thải từ sinh hoạt, nước thải công nghiệp, làng nghề và ngoài ra còn bởi các hệ lụy từ việc xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, nuôi trồng thủy sản, phát triển công nông nghiệp, khai khoáng, vận tải thủy...
Theo bà Trần Thị Lệ Anh- Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường cho biết chất lượng nước sông đang bị suy thoái ở nhiều nơi, đặc biệt ở các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề với mức độ nghiêm trọng nhất vào mùa khô. Đặc biệt nổi cộm nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường là tại ba lưu vực sông: sông Cầu, sông Nhuệ-sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai.
Ước tính của Bộ TN-MT năm 2010, hằng ngày các con sông phải tiếp nhận 1,1 triệu m3 nước thải công nghiệp, đến năm 2020, con số này khả năng sẽ tăng lên 2,4 triệu m3.
Chỉ tính riêng trên dòng sông Cầu hiện tại tổng lượng thải của các cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp và cụm công nghiệp là 80.390 m 3 /ngày đêm; tổng lượng nước thải làng nghề là trên 86.560 m 3 ngày đêm, trong đó lượng nước thải phát sinh từ các làng nghề chế biến nông sản và thực phẩm là lớn nhất, chiếm tới 57.484 m 3 /ngày và 66,4% tổng lưu lượng thải; các làng nghề sản xuất giấy là 18.057 m 3 /ngày đêm. Điều đáng quan ngại là chất lượng nước các sông trên toàn lưu vực sông Cầu trong thời gian gần đây có xu hướng ô nhiễm gia tăng, chỉ số chất lượng nước sông năm 2015 có dấu hiệu kém hơn so với các năm trước.
Hệ thống sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh nhưng nguồn nước đang bị ô nhiễm trên diện rộng, mức độ ngày càng gia tăng từ thượng lưu đến hạ lưu. Các điểm nóng nhất là ở các vùng trung lưu và hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải, một số kênh rạch ở TP.HCM. Năm 2015, sông Sài Gòn đoạn chảy qua cầu Phú Cường, TX.Thủ Dầu Một, cầu Phú Long bị ô nhiễm vi sinh tăng nhiều lần so với năm 2014.
Có thể nói chất lượng môi trường tại các sông ngòi hiện đang có diễn biến hết sức phức tạp và ngày càng xấu đi, nếu không có những biện pháp xử lý, cải thiện kịp thời sẽ khiến nguy cơ thiếu nước sinh hoạt của khoảng 30 triệu dân ở các thành phố hiệu hữu rõ hơn. Tương lai không xa, nước ta sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Theo HÀ PHƯƠNG (hanoi@tinmoitruong.vn)